Thực hiện Kế hoạch số 309/PGDĐT-THCS ngày 08 tháng 9 năm 2023 của phòng giáo dục và đào tạo huyện An Lão về Tổ chức SHCM năm học 2023-2024. Trường THCS Tân Viên phân công nhóm tiếng Anh thực hiện chuyên đề Nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024. Về dự chuyên đề có đồng chí Vũ Trọng Dũng - Trưởng phòng giáo dục và đào tạo huyện An Lão, đồng chí Phạm Xuân Thạch - Phó trưởng phòng giáo dục đào tạo huyện, các đồng chí chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo huyện, các đồng chí đại diện Ban giám hiệu, giáo viên dạy môn tiếng anh các trường trong huyện.
Môn Tiếng Anh là một trong ba môn thi bắt buộc trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT ở thành phố Hải Phòng trong những năm qua. Đây là môn học đòi hỏi ở học sinh (HS) cần có kiến thức từ cấp học dưới, là môn nhiều học sinh cho là khó học, khó nhớ. Đặc biệt là với học sinh ngoại thành, ngoài việc học ở trường các em hầu như không có đi học ở các trung tâm.
Trong các kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT những năm qua, tuy chất lượng tuyển sinh đầu vào ở môn học này có nâng lên, tuy nhiên điểm thi môn Tiếng Anh của trường THCS Tân Viên nói riêng, của huyện An Lão nói chung so với các trường trong thành phố vẫn còn thấp.
Thông qua bảng thống kê về kết quả trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT của nhà trường trong năm học 2023-2024 cho thấy chất lượng dạy và ôn tập các môn thi vào lớp 10 THPT nói chung và đặc biệt là môn tiếng Anh nói riêng của trường đang gặp rất nhiều khó khăn, hiệu quả thấp chưa đạt được mục tiêu như mong muốn nên cần phải có giải pháp kịp thời, thiết thực và hiệu quả.Sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2023-2024,Ban giám hiệu cùng với tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên đã tổ chức họp rút kinh nghiệm về công tác ôn thi; nghiêm túc, tập trung tìm hiểu, phân tích và mạnh dạn, thẳng thắn chỉ ra một số nguyên nhân chính sau đây:
2. Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chất lượng thi vào lớp 10 THPT chưa được như mong đợi, trong đó phải kể đến những nguyên nhân chính sau đây:
Thứ nhất: Về phía giáo viên
Trong các giờ dạy trên lớp, GV chưa tạo được động lực nhằm khích lệ, động viên học sinh say mê, hứng thú, tích cực học tập; Chưa có giải pháp thiết thực, hiệu quả để giúp các HS có học lực Trung bình - Yếu có thêm sự tự tin, cố gắng để tiến bộ,.. .
Thứ hai:Về phía học sinh:
- Bản thân học sinh không xác định được động cơ học tập, dẫn đến ý thức, thái độ học tập của một bộ phận học sinh còn yếu; một bộ phận học sinh còn lười học bài và lười làm bài, không tập trung trong giờ học dẫn đến không nắm được các kiến thức cơ bản, trọng tâm; HS chưa có phương pháp học đúng đắn, nên chưa tiếp thu đầy đủ về kiến thức và kỹ năng làm bài thi Tiếng Anh.
- Do chất lượng đầu vào thấp, học sinh bị hổng kiến thức khá nhiều dẫn đến việc tiếp thu các kiến thức liên quan đến thi vào lớp 10 gặp nhiều khó khăn (nhiều HS không nắm được các quy tắc học Tiếng Anh cơ bản như: Phát âm đuôi “ed”, “s”... và các thì. Do các em nghĩ môn Tiếng Anh là môn không quan trọng vì môn Toán và Ngữ văn nhân hệ số 2, Tiếng Anh hệ số 1 vì vậy các em chưa chú tâm về môn Tiếng Anh.
Thứ ba: Về phía cha mẹ HS:
- Còn một bộ phận không nhỏ PHHS chưa thực sự quan tâm, theo sát đến việc học tập của con mình, thiếu sự phối kết hợp với GVCN, GV bộ môn , nhà trường trong việc quản lý giáo dục HS, nuông chiều con, còn phó mặc HS cho nhà trường, chưa quan tâm nắm bắt về khả năng của con mình và công tác tuyển sinh của các trường THPT (có tư tưởng đi thi cho biết, đỗ thì học tiếp, không đỗ thì học dân lập hoặc trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề, ..) do đó phụ huynh có những lựa chọn đăng kí nguyện vọng thi chưa thực sự phù hợp với năng lực của con em mình.
Thứ tư:Về phía nhà trường:
Về phía BGH nhà trường: Công tác định hướng, chỉ đạo, quản lý của BGH nhà trường đối với hoạt động dạy học và ôn thi vào lớp 10 THPT đã được quan tâm nhưng chưa hiệu quả; BGH chưa thường xuyên thăm lớp, dự giờ, rút kinh nghiệm sau mỗi tiết dự để giúp giáo viên nâng cao ý thức tự giác, nghiêm túc và kịp thời thay đổi phương pháp dạy học cho phù hợp.
III.ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
Để nâng cao chất lượng thi vào lớp 10 THPT môn Tiếng Anh nói riêng và chất lượng của nhà trường nói chung thì mỗi nhà trường cần có giải pháp khắc phục các nguyên nhân dẫn đến chất lượng thấp. Qua các nguyên nhân thực tế của nhà trường trong những năm vừa qua chúng tôi đề xuất một số giải pháp sau:
- Thực hiện tốt công tác quản lý tốt hoạt động dạy học ôn thi vào lớp 10
- Trước tiên Ban giám hiệu cùng tổ chuyên môn và giáo viên rút kinh nghiệm về những tồn tại trong công tác ôn thi vào lớp 10 của những năm học trước để xây dựng kế hoạch ôn thi vào lớp 10 THPT cho phù hợp, phát huy những mặt mạnh và khắc phục được những mặt hạn chế cho năm sau năm.
- Phân chia lớp theo năng lực học và phân công giáo viên có năng lực chuyên môn tốt và tâm huyết với công việc giảng dạy các môn ôn thi vào lớp 10.
- Ban giám hiệu, tổ chuyên môn thực hiện thường xuyên hơn nữa việc kiểm tra, phê duyệt kế hoạch ôn tập của tổ chuyên môn và của GV dạy ôn thi vào lớp 10. Chuẩn bị tốt hơn nữa các điều kiện về cơ sở vật chất phục vụ ôn tập.
- BGH nhà trường tạo điều kiện.quan tâm động viên, khích lệ; bố trí thời gian, sắp xếp thời khoá biểu hợp lí giúp các đồng chí giáo viên dạy ôn thi khối 9 có thời gian đầu tư chuyên môn
- Ban giám hiệu cùng tổ nhóm chuyên môn chú trọng công tác bồi dưỡng chất lượng đội ngũ, chỉ đạo các nhóm chuyên môn sinh hoạt nhóm chuyên môn có chất lượng, thiết thực, tập trung vào tìm giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy của thầy và chất lượng học tập của trò, giải pháp nâng cao chất lượng ôn thi vào lớp 10 cho HS tốt nghiệp lớp 9.
- Tổ chức các kỳ thi thử (3-> 4 lần) giúp học sinh được làm quen với bài thi, rèn luyện tâm lý và kĩ năng làm bài thi. Kết quả thi thử giúp nhà trường, GV dạy đánh giá được sự tiến bộ của HS và chất lượng dạy của thầy từ đó giáo viên uốn nắn kịp thời những sai sót trong khi làm bài của học sinh. Giúp HS và cha mẹ HS đánh giá đúng khả năng học tập mình từ đó để HS -PH lựa chọn trường thi cho phù hợp. Đồng thời đánh giá, rút kinh nghiệm để giáo viên điều chỉnh cách dạy của mình với từng đối tượng học sinh.
- Thực hiện tốt việc giáo dục hướng nghiệp, phân luồng hiệu quả đối với học sinh sau tốt nghiệp THCS.
- Đánh giá, rút kinh nghiệm để giáo viên điều chỉnh cách dạy của mình cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.
- Phát huy vai trò của giáo viên trong công tác ôn thi vào lớp 10 THPT
- GV cần xây dựng kế hoạch dạy ôn thi bám sát nội dung kiến thức SGK lớp 9, tài liệu ôn thi vào 10 và cấu trúc đề thi vào 10 của Sở GD&ĐT Hải Phòng. Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 của bộ môn được in ấn và chuyển đến học sinh và PHHS. Học sinh nắm chắc cấu trúc đề thi
- Soạn bài đầy đủ trước khi lên lớp và chú ý kiến thức kĩ năng cần đạt được. Trong mỗi tiết dạy cần ôn tập lí thuyết, rèn luyện kĩ năng thông qua giải các bài tập ôn luyện; Dạy ôn bám sát kiến thức trọng tâm, theo cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm và phù hợp trình độ của học sinh; Mỗi GV dạy ôn thi phải xây dựng,sưu tầm,giao lưu các bộ đề thi vào lớp 10 theo cấu trúc đề thi do Sở GD&ĐT quy định.
- Tích cực đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá học sinh theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và theo hướng phát triển năng lực học sinh. Chú trọng rèn luyện khả năng tự học đồng thời phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, tích cực ứng dụng CNTT trong giảng dạy.
Trong mỗi tiết dạy dành từ 5 đến 10 phút để kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh và hướng dẫn học sinh làm ở nhà chuẩn bị cho buổi học tiết sau.
- Nêu cao ý thức, đạo đức nghề nghiệp, thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy, quản lý tốt học sinh trong tiết học của mình. Thực hiện tốt việc giao bài, kiểm tra,kiểm soát việc học và làm bài ở nhà chấm, chữa bài cẩn thận, chu đáo nhằm đánh giá đúng kiến thức kĩ năng, sự tiến bộ của từng học sinh, đặc biệt cần tăng cường quan tâm, theo dõi giám sát học sinh trung bình và yếu; Trong quá trình giảng dạy cần dành câu hỏi dễ cho đối tượng này để động viên các em. Thường xuyên yêu cầu học sinh nắm vững lí thuyết, áp dụng vào bài tập một các logic. Giúp đỡ người học cách ghi nhớ như những công thức ghi vào sổ tay, dán vào góc học tập ở nhà...
- GV cần quan tâm phân tích những lỗi HS thường mắc phải trong bài thi tuyển sinh lớp 10 để giúp HS ghi nhớ, tránh mất điểm đáng tiếc.
- GV tạo dựng được sự tin tưởng của PHHS và HS với các thầy cô giáo trong nhà trường để nâng cao hiệu quả phối hợp của nhà trường, GV với PHHS.
- Kết hợp với giáo viên chủ nhiệm thông báo kịp thời tới PHHS khi học sinh có vấn đề trong học tập. Phối hợp với PHHS để cùng quan tâm giáo dục, giúp đỡ HS tiến bộ, động viên kịp thời những HS có tiến bộ trong học tập.
3. Giáo dục cho HS ý thức, phương pháp học tập phù hợp
- Học sinh cần nhận thức, xác định được động cơ học tập, có ý thức tự giác, tích cực, xem trọng việc học, không ngại khó và đặt ra được mục tiêu phấn đấu phù hợp trong kỳ thi vào lớp 10 THPT.
- HS cần đi học đầy đủ, chuẩn bị đầy đủ bài vở trước khi đến lớp: từ việc ôn bài, làm bài tập đến chuẩn bị đầy đủ những đồ dùng cần thiết trước khi đến lớp. Thời gian ở nhà các em xem lại kiến thức trọng tâm vừa học, làm ngay các bài tập thầy cô đã dặn, hệ thống lại các bài tập.
Trong quá trình học trên lớp cần tập trung nghe giảng, ghi chép đầy đủ, chủ động ghi chép những điều quan trọng vào sổ tay.
- Chủ động gặp gỡ,trao đổi, hỏi thầy cô mỗi khi gặp khó khăn trong quá trình học tập,xây dựng nhóm học tập để cùng tra đổi học hỏi nhau “Học Thầy không tày học bạn”
4. Đối với phụ huynh học sinh :
- Thường xuyên quan tâm, động viên, khích lệ các con tích cực ôn tập ở nhà và ở trường, kết hợp tốt với nhà trường trong việc quản lý nền nếp, giáo dục ý thức học tập của các em.
- Có định hướng đúng đắn cho con mình tùy theo khả năng mà chọn học tiếp hay học nghề, tránh tình trạng theo bạn bè trong khi khả năng không có.
MỘT SỐ HÌNH ẢNH CHUYÊN ĐỀ